Lâm Tế mắt chánh

Lâm Tế mắt chánh

Ma Cốc hỏi Lâm Tế, “Quan Âm ngàn tay, mỗi tay có một mắt, mắt nào là mắt chánh?”

Fugai: Mắt nào chẳng phải mắt chánh?

Lâm Tế đáp, “Quan Âm ngàn tay mỗi tay có một mắt, mắt nào là mắt chánh? Nói mau! Nói mau!”

Fugai: Kẻ địch bị vũ khí của mình đánh bại.

Ma Cốc kéo Lâm Tế xuống khỏi tòa và lên ngồi vào chỗ của Lâm Tế.

Fugai: Sao chổi đến gần chòm sao khác.

Lâm Tế đứng lên hỏi, “Vì sao?”

Fugai: Cả đoàn quân theo lệnh rút lui.

Kangetsu: Ma Cốc không giữ vững mục tiêu.

Lâm Tế hét, “Katz!” và kéo Ma Cốc ra khỏi tòa.


Fugai: Con rồng nằm.

Như Huyễn: Cầm thương của địch tấn công địch.

Ma Cốc lặng lẽ bỏ đi.

Fugai: Hai tướng hiểu nhau.

Như Huyễn: Trong lịch sử Trung hoa, Khổng Minh là một tướng tài nổi tiếng, bỗng nhiên bị quân địch dưới sự chỉ huy của Trung Đạt bao vây. Lúc đó chỉ có một mình Khổng Minh, quân của Khổng Minh đang đi nghỉ phép. Khổng Minh bước ra trên bao lơn của một cái tháp nhìn qua phía địch và chơi đàn. Trung Đạt biết chiến thuật thượng đẳng của Khổng Minh, sợ rằng người của Khổng Minh đang mai phục chuẩn bị tấn công, đột nhiên ra lệnh cho quân của mình rút lui. Khổng Minh nổi tiếng là Ngọa Long Tiên Sinh [Ông Thầy Rồng Nằm], người không ai đánh bại được. Lời bình của Fugai chỉ câu chuyện này.

Quan Thế Âm có một ngàn con mắt nhưng chỉ có một mắt là thật. Con mắt chánh đó tự hóa hiện thành một ngàn con mắt. Giống như mặt trăng đồng thời phản ảnh trong một ngàn cái hồ. Có phải các hồ mời mặt trăng hay là mặt trăng đi xuống cái hồ? Cái nào là chủ, cái nào là khách? Lâm Tế tinh ranh đặt câu hỏi có dụng ý, “Vì sao?” trước khi hét, “Kat!” Ma Cốc nên hét trả lại và đột ngột bỏ đi. Dở quá, thua trận thật không vinh quang.

Genro: Câu hỏi, “Vì sao?” của Lâm Tế khiến người ta do dự. Nếu trong tăng nhân các ông có ai đáp đúng được, thì có thể hai tay đánh đường xa mà đi. Đây là mật truyền của giáo lý Lâm Tế.

Fugai: Chớ đứng trên nóc nhà mà hét!

Genro:    


Điền Đan chiến sĩ thật tài ba. 
[Fugai: Tướng giỏi khó tìm.] 
Kế trận bày ra khiếp quỉ ma.
[Con đường vô thượng ngàn thánh chẳng thể theo.]

Cho bò mang lửa xông vào địch,
[Trăm trận, trăm thắng.]
Một lúc được luôn bảy chục thành.
[Xưa nay chưa từng thua.]

Như Huyễn: Điền Đan là một chiến sĩ khác của Trung hoa. Khi bị thiếu quân, ông ta đã dùng bò đánh giặc bằng cách buộc những bó lửa trên lưng bò, và nhờ thế đã chuyển thất bại thành thắng lợi vinh quang.

Tăng nhân không nên nói chiến tranh và đánh nhau. Điều đó trái với giới luật Phật giáo. Có nhiều thí dụ khác có thể dùng hay hơn các thí dụ này; một cành hoa cũng thành một minh họa tốt hơn. Trong tương lai, vào khoảng năm 2001, người học Thiền có thể quên chiến tranh là gì và thưởng thức Thiền của họ trong những khu vườn thanh bình đầy gió xuân êm dịu.